MỘT SỐ ĐỀ VĂN THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT HỌC SINH - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

MỘT SỐ ĐỀ VĂN THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT HỌC SINH

4. Đề 4.

 

BPHONE

Sau sự kiện ra mắt (5/2015) đầy hoành tráng của BKAV với dòng điện thoại thông minh mang tên BPhone, được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam. Các tín đồ công nghệ cùng người dùng có hai ý kiến trái chiều.

Ý kiến 1: Ủng hộ BPhone với tiêu chí “người Việt dùng hàng Việt”

Ý kiến 2: Thay vì dùng một sản phẩm nội địa, chưa biết chất lượng ra sao thì việc dùng các dòng sản phẩm nổi tiếng và lâu đời như Iphone hay SamSung…sẽ là lựa chọn ưu tiên hơn.

Ý kiến của em thế nào? Hãy viết một bài nghị luận( khoảng 400) từ để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề trên

GỢI Ý LÀM BÀI

Ý kiến 1: người dùng nhìn nhận được giá trị của sản phẩm B. Phone và có niềm tin đối với sản phẩm của người Việt. Thay vì dùng những sản phẩm nước ngoài, nhiều người đã ưu tiên dùng hàng Việt như một cách ủng hộ, lan tỏa sự ảnh hưởng của công nghệ Việt không chỉ với người dân trong nước mà còn ở thế giới.

Ý kiến 2: Bên cạnh việc ủng hộ thì nhiều người nghĩ rằng giá thành của B. Phone quá cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân Việt. Và thay vì dùng B. Phone một sản phẩm hoàn toàn mới, họ sẽ tin tưởng vào những sản phẩm có từ lâu đời và uy tín.

Học sinh có thể đưa ra sự lựa chọn của riêng mình miễn sao lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục.

7. Đề 7

HẠNH PHÚC

Trong một lần nói chuyện với con gái. Mác nói “Hạnh phúc là đấu tranh”.

Trong truyện cổ tích Tấm Cám, để giành được hạnh phúc, Tấm đã phải đấu tranh quyết liệt với mẹ con Cám.

Trong cuộc sống cái thiện và lẽ phải, cũng phải không ngừng đấu tranh để chiến thắng cái ác và cái xấu xa.

Một người bệnh cũng phải kiên cường đấu tranh để chiến thắng bệnh tật và tử thần để giành lại sự sống và hạnh phúc.

Còn đối với em hạnh phúc là gì? (hãy trình bày quan điểm của bản thân bằng một bài văn khoảng 600 từ)

GỢI Ý LÀM BÀI.

1. Về hình thức.

-          Bài viết đảm bảo kết cấu của bài văn hoàn chỉnh (mở - thân – kết).

-          Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

-          Có sự sáng tạo, mở rộng vấn đề.

2. Về nội dung.

-          Hạnh phúc là điều khó có thể định nghĩa được rõ ràng trong cuộc sống( hạnh phúc có thể đơn giản là khi bạn làm điều mình thích hay đạt được điều gì trong cuộc sống…), tùy từng người sẽ có những quan niệm về  hạnh phúc khác nhau.

-          Hạnh phúc không khó tìm nhưng cần ta phải biết quý trọng nó,phải biết đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân.

=> Học sinh có thể đưa ra quan điểm của bạn thân về “hạnh phúc”, nhưng phải có dẫn chứng phù hợp lý lẽ thuyết phục.

8. Đề 8:

CON LỪA

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng...

(Nguồn: internet)

Theo em, con lừa sẽ làm như thế nào trong tình huống này?

A. Đón nhận từng xẻng đất đổ xuống.

B. Né tránh từng xẻng đất đổ xuống.

C. Dẫm lên từng xẻng đất đổ xuống.

D. Ý kiến khác.

Viết một bài văn khoảng 400 từ.

GỢI Ý LÀM BÀI

+ Trong hoàn cảnh của chú Lừa việc lựa chọn phương án A sẽ có thể là sự lựa chọn thông minh nhất, bởi việc đón nhận từng xẻng đất cho đến khi miệng giếng đầy và chú Lừa có thể thoát ra ngoài dễ dàng.

+ Trong cuộc sống luôn có những khó khăn thử thách mà bạn cần phải vượt qua. Cũng giống như chú lừa trong câu chuyện trên việc rơi xuống giếng khiến cho chú ta buộc phải lựa chọn. Việc bình tĩnh đối diện với khó khăn sẽ khiến chú ta tìm ra được đường sống cho bản thân.

+ Con Lừa là một câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc, để lại cho mỗi chúng ta những bài học: đừng bao giờ đầu hàng hoàn cảnh bởi lúc bạn giơ tay đầu hàng bạn chính là lúc bạn là người thất bại.

=> Học sinh có thể đưa ra lựa chọn của bản thân nhưng phải hợp lý, dẫn chứng phù hợp, lập luận sắc bén.

13. Đề 13:

Câu chuyện về cái bẫy chuột

“Một gia đình nông dân nọ mua một cái bẫy chuột và lắp đặt trong nhà. Chuột thấy vậy nên rất lo lắng cho sự an nguy của mình. Mỗi ngày Chuột lại càng thêm căng thẳng, đến mức gặp ai nó cũng nhờ giúp đỡ Chuột tìm đến Gà Mái tìm một lời khuyên bổ ích, nhưng Gà Mái chẳng tỏ vẻ chú ý gì, và nói “Chuyện bẫy chuột đó là chuyện của cậu, có liên quan gì đến tôi đâu! Tôi còn phải lo đẻ trứng nữa đây.” Chuột lại tìm đến Lợn, Lợn của dửng dưng “Rõ ràng cái bẫy chuột là muốn lấy mạng của cậu, đâu có phải là lấy mạng tôi đâu? Cậu nói với tôi làm gì! Tôi còn phải lo ăn để tăng kí đây.” Chuột đem chuyện nói với Bò, Bò tức giận và bảo “Bẫy chuột là để bẫy cậu, nó làm sao gây hại cho tôi được! Thôi đi chỗ khác đi, để tôi một mình, tôi đang cần điều trị bệnh mất ngủ đây.." Chuột rất hoang mang, nên sức khỏe giảm sút. Nghe được tin này thì Rắn mừng thầm, nó vốn thích thịt chuột, và lên kế hoạch sẽ tấn công bất ngờ tại tận hang chuột trong nhà người nông dân, và tranh thủ xem mặt mũi cái bẫy chuột nó ra làm sao. Nửa đêm hôm đó, người vợ nghe thấy có tiếng sập bẫy, liền vội vàng chạy ra xem. Nhưng hóa ra chiếc bẫy chuột sập vào đuôi của một con rắn. Rắn rất tức giận, và cắn vào chân bà chủ nhà. Người vợ sau khi bị Rắn cắn thì sức khỏe giảm sút rất nhanh. Người chồng phải giết con gà mái để tẩm bổ cho vợ. Nhưng bệnh tình của bà vẫn không khá lên mà ngày một nặng hơn. Rất nhiều bà con, bạn bè đến thăm. Người chồng đành phải giết lợn để thiết đãi khách, xem như một lời cảm tạ. Cuối cùng người vợ vẫn không qua khỏi và mất. Người chồng chẳng còn cách nào khách phải bán con bò để an táng cho vợ. Thế là cả Bò, Lợn, và Gà Mái đều bị chết, chỉ vì cái bẫy chuột …”

(Nguồn: sưu tầm internet)

Một chiếc bẫy chuột dường như chẳng liên quan gì đến gà, lợn, bò, nhưng cuối cùng vẫn gây cho chúng những hậu quả nghiêm trọng. Chuyện đáng bàn là nếu gà, lợn, bò giúp đỡ chuột từ trước thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Gà, lợn, bò chết vì sự vô tâm – thờ ơ của mình. Hãy trình bày ý kiến của em về vấn đề trên? (viết một bài văn khoảng 600 từ)

GỢI Ý LÀM BÀI

  1. 1.      Về kĩ năng

Hs biết cách làm bài văn nghị luận theo hướng mở.

Hs biết trình bày luận đề, luận điểm một cách rõ ràng, mạch lạc

Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. 2.      Về kiến thức

Hs có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo nội dung cơ bản:

Trình bày cách hiểu của bản thân về thái độ thơ ơ, sự vô tâm..

Phân tích được hậu quả có thể xảy ra nếu có thái độ thơ ơ, thiếu trách nhiệm đối với cuộc sống xung quanh mình.

 Trình bày được suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm của mình đối với cá nhân và xã hội.

Dẫn chứng thiết thực, hợp lý.

18. Đề 18

Chuyện kể rằng: Có một cái trứng đại bàng run rủi thế nào rơi vào nhà của chị gà mái đang chuẩn bị đến ngày làm mẹ. Thế là trong đàn gà con lông vàng óng ả mỗi ngày theo mẹ đi kiếm mồi, có một chú “gà lạ” trông rất khác biệt. Chú “gà đại bàng” này chẳng nghĩ suy gì nhiều, sống một cuộc sống như bao con gà khác. Tình cờ, một ngày, chú ta nhìn lên bầu trời và chợt thấy những con đại bàng bay vút qua, thật oai hùng và dũng mãnh. Chú ước ao “giá mà mình cũng bay được như thế!”...

(Sưu tầm)

a. Theo em, điều ước của “chú gà đại bàng” này có thành hiện thực được không?

b. Hãy tưởng tượng và viết tiếp phần kết của câu chuyện. Từ đó hãy bình luận bằng bài viết 600 từ về bài học cuộc sống được rút ra từ câu chuyện này?

GỢI Ý LÀM BÀI

1. Về kĩ năng

- HS biết cách làm văn nghị luận theo hướng mở

- HS biết cách trình bày luận đề, luận điểm một cách rõ rằng, mạch lạc

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Về nội dung

a. HS trả lời theo ý hiểu

b.  HS có thể kể lại câu chuyện theo ý hiểu riêng của mình nhưng bài viết cần đảm bảo những nội dung sau:

+ Câu chuyện “gà đại bàng” nói trên thực chất là câu chuyện về “tố chất và khát vọng”. “Gà đại bàng” là hình ảnh ẩn dụ về những con người (từ mọi xuất thân) có những tố chất đặc biệt và mang trong mình những khát vọng lớn. Những tố chất ấy nếu được tôi luyện, những khát vọng ấy nếu được chắp cánh, họ sẽ trở thành những con người ưu tú có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

+ Mỗi người có một tố chất khác, khả năng khác nhau nhưng nếu bản thân không phát hiện được, không biết cách hoặc không có cơ hội, động lực để biến tố chất trở thành tài năng  thì rất khó để đạt được thành công như mong muốn.