Giáo dục thay đổi từ đâu khi vẫn còn khuôn mẫu - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

Giáo dục thay đổi từ đâu khi vẫn còn khuôn mẫu

Mười hai năm học ở phổ thông, học sinh khi

học Văn thì làm theo văn mẫu, học Toán thì giải theo những cách đã có sẵn. Làm khác thì bị cho là sai.

“Chính việc học ở phổ thông đã tạo cho sức ỳ của học sinh rất lớn, vậy làm sao có thể hy vọng, đòi hỏi người trẻ sau này có thể sáng tạo?”

Đây không phải là ý kiến của một chuyên gia giáo dục nào mà lại chính là cách đặt vấn đề của một nam sinh trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM tại chương trình Tiếng nói Trẻ - YouthSpeak 2018 vừa diễn ra tại TPHCM.

Điều này cho thấy rằng, thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay đã rất ý thức về những gì có thể thu thập được từ trường học. Thầy cô có thể sẽ chỉ nghĩ rằng, cách giảng dạy của họ được đánh giá qua những kỳ thi giáo viên giỏi và họ mới là người đánh giá, chấm điểm học sinh. Tuy nhiên trên thực tế, “điểm số” của người thầy, người cô trong con mắt học sinh cũng vô cùng quan trọng.

Một chương trình đặc biệt trên đài truyền hình quốc gia cách đây không lâu khiến tôi rất ấn tượng: “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Bản thân nhiều thầy cô giáo mất rất nhiều năm trên bục giảng mới nhận ra có những điều tưởng chừng là “khuôn khổ” đối với học trò, “khuôn mẫu” với nghề nghiệp… đã không còn hoàn toàn phù hợp.

Những giờ học “thầy đọc – trò chép”, những cuốn văn mẫu và những phương pháp giải toán - lý – hóa rập khuôn có thể sẽ giúp học trò vượt qua loạt kiểm tra, thi cử dày như mắc cửi. Thế nhưng, chính điều đó cũng tạo ra “sản phẩm” là một thế hệ thanh thiếu niên “mọt sách”, tiếp thu kiến thức đầy thụ động, chỉ biết học thuộc và sao chép.

Trong khi đó, được cắp sách đến trường với một bộ phận học sinh lại trở thành nghĩa vụ chứ không còn là quyền lợi. Các giờ học trở thành một khoảng thời gian “tra tấn”, đầy chán nản chứ không còn là con đường khám phá tri thức một cách hứng thú như mong mỏi của người lớn.

Thế rồi, khi chứng kiến những học sinh đến trường lấy lệ, những thanh niên đã 18 tuổi là “con ngoan, trò giỏi” nhưng vẫn chưa biết định hướng cuộc đời, rời khỏi vòng tay bố mẹ là dễ dàng sa ngã thì không ít người vẫn chưa lý giải nổi vì sao…

Người lớn chúng ta thường nhầm lẫn giữa kỷ luật, kỷ cương và sự áp đặt về tư duy, ứng xử. Chẳng hạn một học sinh có ý kiến khác với sách vở sẽ bị giáo viên gạt đi thay vì thảo luận. Sự bảo thủ trong giáo dục không những khiến giới trẻ chây ỳ mà còn thủ tiêu luôn cả những mầm non sáng tạo.

Ngay cả khi chủ trương về đổi mới phương pháp giảng dạy mà vẫn tồn tại tư duy rập khuôn theo kiến thức giáo khoa, coi thầy cô luôn đúng, thì hiệu quả “đổi mới” này cũng không thể đến đầu đến đũa.

Mọi sự đổi mới giáo dục sẽ chỉ là những chiến dịch “hô hào” khi tiếng nói của giới trẻ lạc lõng trong trường học, khi sự phản biện vẫn bị coi là “nghịch nhĩ”, là “trứng khôn hơn vịt”, là “múa rìu qua mắt thợ”.

Nhà bác học lừng danh Einstein khi còn ngồi trên ghế nhà trường từng chỉ là “thằng đần” trong mắt thầy giáo với những phát ngôn ngớ ngẩn và hay cãi lời, từng thường xuyên đội sổ vì không chịu học những môn học thuộc lòng. Hay Thomas Edison cũng bị hắt hủi không có tiền đồ khi không chú tâm trả lời mà chỉ đặt ra câu hỏi hóc búa cho thầy giáo…

Hy vọng, hệ thống giáo dục chúng ta bấy lâu nay đã không để lãng phí những nhân tài. Và hy vọng, những thế hệ người trẻ tới đây không phải loay hoay với ước mơ “du học” mới thoả ước mơ chinh phục tri thức và khẳng định được giá trị bản thân.