TẠI SAO PHẢI NHỚ SĨ PHU BẮC HÀ? - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

TẠI SAO PHẢI NHỚ SĨ PHU BẮC HÀ?

Tại vì đó là một trong những "giá - trị - người"

cao quý, lấp lánh trong những trang sử vàng dân tộc. Và, tại vì giá trị ấy lan toả với thời gian, có ý nghĩa biểu tượng ghê gớm để lớp lớp hậu sinh ngưỡng vọng, học hỏi, và cố gắng noi theo.

Thứ nhất, cần phải nhìn nhận khái niệm này ở góc độ địa lý đơn thuần. Bắc Hà là vùng đất Đàng ngoài, từ sông Gianh trở ra trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm. Sĩ phu Bắc Hà do vậy là người trí thức ở Đàng ngoài, sinh ra chủ yếu ở Hà Nội (ngày nay) và các vùng lân cận.

 Thứ hai, xét ở góc độ tính chất, điều phải thấy đầu tiên của sĩ phu Bắc Hà chắc chắn là tri thức. Xin nhấn mạnh: tri thức chứ không phải chức tước hay bằng cấp, bởi từ hàng trăm năm trước ở vùng đất này đã có những bậc sĩ phu độc lập với chính quyền (nên khó gắn với chức tước), và không màng tới chuyện thi cử làm quan (nên khó gắn với bằng cấp). 

 Cũng cần nói thêm về chuyện bằng cấp, ở giai đoạn từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19 có một bộ phận không nhỏ giới trí thức Việt Nam sở hữu "bằng cấp giả", trở thành những ông "tiến sĩ giấy" như cách mô tả vừa mỉa mai vừa đau đớn của cụ Tam Nguyên Yên Đổ: "Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/ Nét son điểm rõ mặt văn khôi".

 Vì tất cả những điều đó nên nói đến tri thức của những sĩ phu Bắc Hà cũng có nghĩa là nói đến một nền tảng tri thức thực sự, và quan trọng nhất là phải mang tính độc lập cao. Có tri thức nhưng không biết hay không dám sử dụng tri thức một cách độc lập thì chắc chắn cũng không đáng mặt sĩ phu Bắc Hà.Nhưng nếu chỉ dừng lại ở "tri thức" thì chưa đủ. Những sĩ phu Bắc Hà theo mô tả của sử sách còn là những người có nhân cách và khí tiết cao lồng lộng.

 Hình tượng tuyệt đẹp của sĩ phu Ngô Thì Nhậm trong vở kịch "Công lý không thể gục ngã"

Đấy là những người "Phú quý bất năng dâm/ Bần tiện bất năng di/ Uy vũ bất năng khuất" - hiểu đơn giản là miễn nhiễm trước những nguy cơ tấn công của tiền bạc, của đói nghèo và bạo lực. Thứ duy nhất mà họ theo đuổi, và tôn thờ đến khi nhắm mắt xuôi tay là lý tưởng phụng sự tổ quốc, phụng sự dân tộc mình.

 Thứ ba, ở góc độ thời thế, trong thời đại Lý - Trần trước đó người ta nhắc nhiều tới hình tượng những nhà sư hành đạo hoặc những tráng sĩ bay bổng với hào khí Đông A.

 Thời đó, khái niệm sĩ phu Bắc Hà chưa ra đời. Sau này, từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây thì người ta lại nhắc nhiều tới các khái niệm như "người công nhân", "người nông dân", "người trí thức", và khái niệm "người trí thức" hiện tại có vẻ trùng khớp với khái niệm "người trí thức" được định nghĩa lần đầu tiên ở Nga vào khoảng đầu thế kỷ 20.

 Khái niệm sĩ phu Bắc Hà tồn tại chủ yếu trong thời kỳ đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong - Đàng Ngoài, thời kỳ mà những cuộc binh đao nội chiến giữa những tập đoàn phong kiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn diễn ra liên miên. Có thể nói đơn giản: đấy là thời loạn.

 Vì là thời loạn, những cuộc thay thầy đổi chủ diễn ra không ngừng nên người trí thức nhiều lúc rơi vào cảnh hoang mang. Có người thành công, lại có người cô đơn, thất bại với những chọn lựa của mình. Nhưng một khi đã là sĩ phu Bắc Hà thì bất luận thành công hay thất bại, đấy cũng là những cuộc đời nhân sĩ tuyệt đẹp, để lại nhiều câu chuyện, nhiều bài học lớn cho hậu thế.

Khi tiến quân ra Bắc, vua Quang Trung đã thực thi chính sách cầu hiền, mời những sĩ phu Bắc Hà của triều cũ ra giúp sức cho mình. Và khi có được Ngô Thì Nhậm thì vua đã thốt lên: "Thật là trời đã để dành người này cho ta". Vua phong Ngô Thì Nhậm giữ chức Thượng thư bộ Lại - chức cao nhất trong Lục bộ.

Có giai thoại kể rằng, khi Ngô Thì Nhậm làm quan, Đặng Trần Thường đã đến xin ông tiến cử mình, nhưng thấy Đặng Trần Thường có vẻ khúm núm, không xứng mặt kẻ sĩ, Ngô Thì Nhậm không những không tiến cử, mà còn quát to lên: “Ở đây cần người vừa có tài, vừa có hạnh giúp vua, chứ không cần những kẻ vào luồn ra cúi”.

 Sau này Đặng Trần Thường chạy đến chúa Nguyễn, và khi chúa Nguyễn đánh bại nhà Tây Sơn thì chính Đặng Trần Thường được giao đánh phạt một số quan văn nhà Tây Sơn bằng roi, ở Văn Miếu - Hà Nội.

Thấy trong số quan văn ấy có Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường liền thốt lên: “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai ai dễ biết ai”. Ngô Thì Nhậm đáp lại: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thê”.

 Có thuyết nói rằng Đặng Trần Thường "ép" Ngô Thì Nhậm phải sửa cụm từ "thế thời phải thế" bằng "thế đành theo thế", nhưng Ngô Thì Nhậm kiên quyết không sửa một chữ nào.

 Thế là Đặng Trần Thường liền tẩm thuốc độc vào roi, đánh Ngô Thì Nhậm đến chết. Một chiếc roi tẩm thuốc độc có thể giết chết thể xác Ngô Thì Nhậm nhưng tư tưởng và hoài bão của bậc sĩ phu này thì vẫn toả năng lượng mãi mãi tới ngàn đời sau.

Trước đó, ở cuối thời chúa Trịnh Sâm, nhà chúa thối nát, quyền bính dần dần bị thâu tóm bởi phe nhóm của bà tuyên phi Đặng Thị Huệ. Trong hoàn cảnh ấy những quan lại có lòng tự trọng chọn cách cáo quan về quê, những quan lại khác thì lao vào những cuộc đấu đá phe nhóm, trong đó không ít người theo phe đang thắng thế của bà tuyên phi.

 Ỷ thế chị gái mình, em Đặng Thị Huệ là Đặng Mậu Lân coi trời bằng vung. Hắn ra sức áp bức dân chúng, ức hiếp con gái nhà lành, mà khủng khiếp nhất là việc những cô gái nào không chịu "phục tùng" liền bị hắn cắt đầu ti. Đặng Mậu Lân thậm chí còn rút gươm chém cả Sử Trung Hầu - người được chúa Trịnh giao trông coi công chúa Ngọc Lan, con yêu của chúa.

 Cách đây vài năm, Nhà hát Tuổi Trẻ đã đưa tất cả những chi tiết này lên sân khấu. Nhưng thú vị hơn là trong vở kịch ấy, người được chúa giao xét xử Đặng Mậu Lân lại chính là quan thị lang Ngô Thì Nhậm.

Vở kịch có một cảnh tuyệt hay về đêm trước ngày xử án khi bà tuyên phi Đặng Thị Huệ đem cả một mâm vàng đặt lên bàn Ngô Thì Nhậm. Mâm vàng được chất đầy tới mức che kín đầu Ngô Thì Nhậm, và hẳn nhiên cùng với cả một núi vàng, bà tuyên phi muốn Ngô Thì Nhậm nương tay.

 Nhưng tuyệt đẹp thay, và đáng ngưỡng mộ thay, Ngô Thì Nhậm thét lên một tiếng "không", đập mạnh bàn tay xuống bàn, khiến cả mâm vàng sụp đổ.

 Không mua chuộc được, bà tuyên phi quay ra doạ dẫm, nhưng với những bậc sĩ phu "uy vũ bất năng khuất" có lời doạ dẫm nào lay chuyển được lý tưởng, tâm hồn họ?

 Đến nước này, bà tuyên phi liền chạy đến cửa chúa, xin một cái trát miễn tội chết cho em mình. Hay tin, Ngô Thì Nhậm liền xử án ngay trong đêm, để cái trát miễn tội kia vô tác dụng.

 Đêm ấy Đặng Mậu Lân nhận án tử hình. Và vở kịch kết lại ở cảnh Đặng Mậu Lân bị treo cổ trong tiếng trống vang dội tứ bề sân khấu cùng tiếng vỗ tay rào rào của tất thảy người xem. Nhiều người vừa đứng lên, vừa vỗ tay, vừa rơi nước mắt.

 Có lẽ họ thật sự thoả mãn và hạnh phúc với việc kẻ có tội phải đền tội, và những vị quan thanh liêm, chính trực như sĩ phu Ngô Thì Nhậm đã vượt qua tất thảy chông gai, sức ép để bảo vệ công lý đến cùng.

 Vở kịch ấy có tên Công lý không thể gục ngã.

 Mặc dù những chi tiết đều đã được sân khấu hoá, nghĩa là đều ít nhiều mang tính kịch với những mâu thuẫn kịch và những điển hình kịch, nhưng cái lõi bản chất của những bậc sĩ phu - những người "Phú quý bất năng dâm/ Bần tiện bất năng di/ Uy vũ bất năng khuất..." thì vẫn rất đời.

 Mượn tên gọi và ý tứ của vở kịch ấy, chúng ta có thể kết luận  một cách thật ngắn gọn rằng: Sĩ phu Bắc Hà là những người luôn chiến đấu để công lý nhất định không bao giờ gục ngã.

 Phải nhớ, và phải tìm cách làm cho những giá trị sĩ phu cao cả ấy tiếp tục, mãi mãi được lan toả là vì vậy!

Phan Mỹ Chí

Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/So-tay/12GTHANG__-Tai-sao-phai-nho-si-phu-Bac-Ha-511588/