XUÂN MẬU TUẤT 2018 - TỤC ĐÓN TẾT CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC TẠI VIỆT NAM - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

XUÂN MẬU TUẤT 2018 - TỤC ĐÓN TẾT CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC TẠI VIỆT NAM

Phong tục đón tết của mỗi dân tộc,

mỗi vùng miền đều mang những nét độc đáo riêng tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho cộng đồng mình sinh sống. Cùng tìm hiểu những điểm khác biệt trong tục đón tết của một số dân tộc Việt nam nhé.

Người Mông với tục cúng tất niên bằng bánh dày, rượu ngô và gà trống sống

 

Không giống như đồng bào dân tộc Kinh thường chuẩn bị hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và một mâm cỗ cúng thiên địa ở ngoài trời, đồng bào d ân tộc Mông trên Cao nguyên đá chuẩn bị đón Tết cổ truyền với n hững chiếc bánh dày, chai rượu ngô được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên cùng với gà trống sống đã được cắt tiết. Trên bàn thờ lúc này không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường - nơi mà người Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh. Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.

Đặc biệt, vào sáng mùng 1 Tết, người đàn ông Mông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc trong nhà thay vì cả năm đàn bà con gái trong nhà đã làm. Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Cũng trong buổi sáng ngày mùng 1 Tết, trong gia đình ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau vì theo quan niệm nếu gọi nhau sâu bọ nghe thấy sẽ đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại các loại cây trồng.

Người Pu Péo với phong tục Cướp giọng gà

 

Đúng vào thời khắc giao thừa người Pu Péo sẽ canh chừng mấy con gà trống để chọn đúng thời điểm chúng vỗ cánh và chuẩn bị gáy thì họ sẽ đốt một quả pháo và ném vào chuồng để làm lũ gà bị giật mình chúng sẽ đua nhau gáy to. Đúng thời điểm này người dân sẽ cùng nhau hò hét để lấn át giọng gà trống gáy.
Với quan niệm tiếng gà gáy có ý nghĩa thiêng liêng, vui vẻ nên người nào lấn át được tiếng gà sẽ gặp may mắn và tốt đẹp trong cả năm tới 

Không chỉ duy trì phong tục đón giọng gà mà dân tộc Pu Péo còn có một phong tục đón Tết cổ truyền rất độc đáo. Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng nhưng lại gói hai loại bánh: bánh chưng đen (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới. Sáng mùng một Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh "nước bạc, nước vàng" để cầu may. Trong 3 ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày Tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.

Người Pà Thẻn và phong tục thờ bát nước lã

 

Điểm độc đáo trong bàn thờ của người Pà Thẻn là luôn xuất hiện một bát nước lã luôn đầy được đậy kín để thờ cúng trong năm. Nếu nước vơi đi thì phải đợi đến tháng 6 chủ gia đình mới mở bát và chế thêm nước cho đong đầy.

Đêm giao thừa tất cả các cửa trong nhà đều được đóng kín và bịt hết lỗ thoáng rồi chủ nhà sẽ dùng nước trong bát đó để lau chùi sạch sẽ và thay lượt nước khác để đón chào năm mới. Mọi hành động trên đều diễn ra bí mật, nếu trót bị lọt ra ngoài thì cả nhà sẽ gặp xui xẻo, vận hạn trong năm tới

Người Thái với tục gọi hồn

 

Cũng như nhiều dân tộc khác, Tết cổ truyền của người dân tộc Thái được tổ chức đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán của người Kinh.
Vào tối 28, 29 hoặc 30 tết, họ thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, con còn lại dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Phụ nữ trong nhà hôm mùng một tết được đem xôi đã đồ ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ duy nhất trong năm có mỗi ngày mùng một tết mà thôi (hàng ngày, phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông).

Phong tục đón tết của các dân tộc tuy khác nhau nhưng đều có một điểm chung là trong những ngày đầu năm mới, mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi, trong không khí ấm áp của mùa xuân. Tết đến, xuân về làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. 

Tục đón tết mừng xuân cho dù có khác nhau ở tục lệ nhưng đều mang giá trị tinh thần nhân văn, khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng của người dân.

Nguồn sưu tầm