[ĐỒNG HÀNH CÙNG MÙA THI] - HƯỚNG NGHIỆP NGÀNH CNTT - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

[ĐỒNG HÀNH CÙNG MÙA THI] - HƯỚNG NGHIỆP NGÀNH CNTT

Là một trong những hoạt động nằm trong

chương trình ĐỒNG HÀNH CÙNG MÙA THI, ban tổ chức xin giới thiệu đến các em học sinh bài viết định hướng nghề nghiệp liên quan đến ngành Công nghệ thông tin để các em tham khảo trước khi làm hồ sơ thi THPTQG2018.

Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo…..Trong thời kỳ hội nhập, Công nghệ thông tin là một trong những ngành mũi nhọn mang đến sự phát triển vượt bậc cho khoa học kỹ thuật. Chính vì vậy, ngành công nghệ thông tin đang được cho là một trong các ngành “hot” và được nhiều các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm.

I. Công nghệ thông tin là gì?

Công nghệ thông tin hiểu theo nghĩa rộng là việc sử dụng máy tính và phần mềm máy tính vào việc tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền dẫn thông tin. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên sâu tùy theo chuyên ngành mình lựa chọn như: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính truyền thông, Kỹ thuật phần mềm,..

 

II. Đặc trưng của ngành

            Học ngành công nghệ thông tin sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính và truyền thông, an toàn thông tin mạng. Phần kiến thức chuyên ngành sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức liên quan đến việc nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm, kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thông thiết bị dựa trên máy tính, kiến thức về mạng máy tính và truyền thông.

 

Công nghệ thông tin là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Người làm trong ngành này gọi là IT. Người thực hiện công việc này giúp kiểm soát hiệu quả hệ thống máy tính, tiến hành chỉnh sửa các phần mềm, các tập tin,… và nhiều thông tin liên quan phục vụ cho những nhu cầu khác nhau trong công việc của con người.

III. Năng lực, phẩm chất cần thiết khi đến với nghề

Ngành công nghệ thông tin là một ngành thú vị và mang tính thời đại. Chính vì thế, để đến với nghề cần thiết phải có các năng lực, phẩm chất: 

-  Có tư duy logic, khả năng sáng tạo

Tư duy logic rất quan trọng, nếu bản thân thấy việc học toán, giải toán là cực hình thì nên suy nghĩ lại nếu muốn theo ngành này. Cũng không nhất thiết phải học giỏi toán, quan trọng là không ngại giải toán :)

-  Kiên trì, nhẫn nại.

-  Ham học hỏi, trau dồi kiến thức.

-  Nhạy bén, tiếp cận nhanh và hứng thú với những công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì công nghệ thay đổi từng ngày, học nhanh là lợi thế cực lớn.

-  Khả năng làm việc nhóm

Một sản phẩm cntt (ví dụ 1 phần mềm) có khi cần rất nhiều người cùng phải làm. Nếu như không có khả năng làm việc nhóm thì chắc chắn sản phẩm sẽ thất bại. Giống như xây một cái nhà vậy, mỗi người có nhiệm vụ xây 1 phần, nếu cả team làm việc hiệu quả thì cái nhà sẽ rất đẹp, còn nếu có 1 thành viên làm không tốt thì chắc chắn cái nhà không ổn.

-  Có trình độ ngoại ngữ tốt cũng là một yếu tố quan trọng và có lợi thế lớn.

IV. Nơi đào tạo, điểm đầu vào

Các trường trọng điểm đào tạo ngành công nghệ thông tin:

  • Trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc Gia Hà Nội:

Khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, hệ thống thông tin, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật máy tính: 26 điểm(năm 2017), 22 điểm ( năm 2014); năm 2015 và 2016 trường thi đánh giá năng lực.

  • Đại học Bách Khoa Hà Nội: 24 - 28,25 điểm (năm 2017)
  • Đại học Kinh tế Quốc dân : Khoa học máy tính 24,5 điểm (năm 2017)
  • Học viện bưu chính viễn thông( phía bắc): Công nghệ thông tin: 25 điểm ( năm 2017); An toàn thông tin 24 điểm( năm 2017); Kỹ thuật điện tử, truyền thông 22,5 điểm ( năm 2017)
  • Đại học khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội: Máy tính và khoa học thông tin 21,75 (năm 2017)
  • Đại học giao thông vận tải ( phía bắc): Công nghệ thông tin 23,00 điểm ( năm 2016); Kỹ thuật điện tử. truyền thông 19,5 điểm ( năm 2016)

 

V.Cơ hội việc làm

 

Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhu cầu nhân lực ngành này mỗi năm tăng 13%.

Mặt khác, một “ưu ái” của thị trường lao động đối với những ai tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin là: thực tế các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã chứng minh, nhân lực ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất.

Hiện nay Việt Nam có nhiều tập đoàn CNTT phát triển mạnh, do đó người học ngành này có nhiều cơ hội để làm việc trong lĩnh vực này.

Cơ hội việc làm của Công nghệ thông tin cho bạn rất nhiều lựa chọn hấp dẫn :
- Lập trình viên: người trực tiếp tạo ra các sản phẩm công nghệ như phần mềm, hệ thống thông tin;
- Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm công nghệ do lập trình viên tạo ra;

- Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính;

- Chuyên gia quản lý, kinh doanh, điều phối các dự án công nghệ thông tin;

- Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo…

                                                                                                                        Ban truyền thông