BẢN TIN ĐẶC BIỆT-NGÀY TẾT QUÊ EM-SỐ THỨ NHẤT - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

BẢN TIN ĐẶC BIỆT-NGÀY TẾT QUÊ EM-SỐ THỨ NHẤT

“ …Tết tết tết tết đến rồi

Tết tết tết tết đến rồi

 

Tết tết tết tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người...”

Mỗi khi nghe bài hát này, em lại thấy háo hức và hồi hộp đến lạ. Năm nay là năm thứ 2 em không được đón tết ở quê hương Nghệ an-khúc ruột miền trung yêu dấu. Trong bầu không khí cuối năm, người người hối hả, em lại thấy nhớ quê hương đến lạ kỳ.

Ngày tết của mỗi vùng miền mang những hương sắc khác nhau và tết miền Trung quê em cũng vậy. Ở đây, chợ tết những ngày cuối năm ngập tràn hương thơm của những người bán hương trầm. Người bán hàng chở những thùng hương to kèm theo những cây hương đại, vừa đi vừa tỏa hương thơm lừng như để gọi mời khách mua hàng. Các chợ hoa thì ngập tràn sắc màu với đủ loại từ miền bắc và miền nam đưa lại. Nói đến đây, tự nhiên em lại thấy thèm cái cảm giác được cùng Mẹ và chị đi sắm đồ tết, được hít một hơi thật sâu giữa cái không gian ấy-không gian chợ hoa ngày tết miền trung. Hương thơm và sắc hoa nơi đây mang lại cho em cảm giác hết sức lạ mà không nơi nào có được. Nhưng không giống các nơi khác, là chợ được họp ở những khu dân cư đông đúc, thì ở quê em lại được họp ở đình làng, bên mé sông hay những ngã ba đường-nơi đây được gọi là  :”chợ mua may hay chợ cầu lộc”. Nếu ở miền Bắc, ngày tết rực rỡ sắc hồng của hoa đào, thì ở miền trung và không thể thiếu sắc vàng của hoa mai.

       

Hoa ly ngày tết

Chợ hoa ngày tết

Miền trung quê em quanh năm lũ lụt, hạn hán, đất đai cằn cỗi, nên nếu như mâm ngũ quả ở các nơi khác được bày trí rất cẩn thận và đầy đủ thì ở quê em, mâm ngũ quả lại được bày trí khá đơn giản vì ai cũng tâm niệm: “lòng thành là chính”. Nhưng bù lại mâm cỗ ngày tết ở nơi đây lại được chuẩn bị khá cầu kỳ. Mâm cúng Tết miền Trung được  nấu rất khéo, cẩn thận. Có thể nhìn thấy trong đó âm hưởng của sự chắt chiu, của sự chia sẻ, của tình yêu thương. Sau đó, cả nhà cùng tham gia bữa cơm Tất niên trong không khí vui vẻ và đoàn tụ. Đó cũng là cơ hội để mọi người cùng nhau ôn lại những ký ức hay kể cho nhau nghe về cuộc sống sau một năm làm việc vất vả.

Mâm cơm ngày tết-miền trung

Như mọi người vẫn biết, món bánh đặc trưng ngày tết của người miền bắc đó là món bánh chưng, thì ở quê em, đó là món bánh Tét.

Món bánh tét-miền trung

Và nếu như người miền Bắc có món dưa hành, người miền Nam có món củ kiệu, thì với người miền Trung, dưa món là lựa chọn không thể thiếu để ăn kèm với bánh tét. Đó cũng là một trong những món ăn chủ lực ngày tết kèm theo chai rượu để đón khách tới nhà chúc tết,trò chuyện đầu xuân. Món ăn này là sự kết hợp của cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu…. được ngâm chua mặn có vị giòn sật sật rất ngon, mang đến một hương vị rất riêng của ngày Tết miền Trung.

Món dưa món-miền trung

Như các nơi khác, tục lì xì ngày Tết vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Sáng mùng một Tết, cả nhà tụ họp đông đủ. Những người con chúc ba mẹ trường thọ với phong bao đỏ. Bố mẹ cũng vậy, dù con cái đã lớn khôn, đã lập gia đình, họ vẫn chuẩn bị phong bao lì xì cho con để lấy lộc đầu năm. Sau đó, cả gia đình cùng đi tảo mộ đầu năm. Vì thế, vào buổi sáng mùng một Tết, nhà nhà đều khóa cửa và tại nghĩa trang luôn đông đảo con cháu đi thăm những người đã khuất. Sau khi đi tảo mộ, mọi người cùng nhau đi lễ chùa đầu năm, cầu mong cho gia đình một năm nhiều sức khỏe và an khang thịnh vượng.

Ngày nay, khi xã hội đang từng ngày đổi mới và phát triển, nhưng mỗi gia đình Việt vẫn giữ vững cho mình những nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông để lại, đó quả là một điều đáng quý. Năm mới sắp đến, em xin gửi lời chúc tới các thầy cô và các bạn học sinh. Chúc mọi người sang năm mới có sức khỏe thật tốt và luôn gặp may mắn trong cuộc sống.

                                                                                                                                       Ban thông tin

                                                                                                                               HS. Kiều Trinh 11A1