[TẬP SAN HỌC TRÒ] - NGHỊ LUẬN "NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ" - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

[TẬP SAN HỌC TRÒ] - NGHỊ LUẬN "NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ"

         Không chỉ tồn tại như một hệ tư tưởng,

đạo lí tốt đẹp của dân tộc, “tôn sư trọng đạo” từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của người Việt. Đó là truyền thống mà mỗi người trong chúng ta đều phải nhận thức, lưu giữ và phát triển.

Cùng với đó, câu nói ”Nhất tự vi sư/Bán tự vi sư” trong dân gian đã khẳng định được tầm quan trọng  cũng như cái nhìn của ông cha ta về nghề dạy học.

          Từ ba chữ ngắn gọn “ Nhất tự sư” xuất phát từ điển tích cổ của Trung Quốc, ông cha ta đã nâng thành quan niệm: “Nhất tự vi sư/Bán tự vi sư” (nghĩa là “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”). Người thầy truyền đạt kiến thức cho ta dù nhiều hay ít đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng, biết ơn. Học trò cũng phải lấy lẽ ấy mà làm đức hiếu sinh cho phải. Mặt khác, câu tục ngữ đã nêu cao được trách nhiệm của người làm thầy, phải hành xử cho đúng với giá trị của ngành nghề bởi Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng khuyết rồi lại tròn nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời”. Mỗi hành động của người giáo viên đều được học sinh nhìn vào và học hỏi. Người thầy chính là biểu tượng cho nhân cách, đạo đức cao đẹp nhất.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thật vậy, người giáo viên luôn phải gánh trên mình trọng trách to lớn, những trăn trở, suy tư để trở thành tấm gương sáng , xứng đáng là biểu tượng nhân cách cho thế hệ sau noi theo thì không có nghĩa lí gì mà không nhận được sự tôn trọng, biết ơn.

“Một đời người- một dòng sông

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

Muốn qua sông phải lụy đò

              Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa”

Người thầy được coi là người lái đò bền bỉ dẫn dắt, đưa chúng ta đến bến bờ của tri thức, người “kĩ sư tâm hồn” miệt mài với việc vun đắp  thế hệ tương lai. Một nhà giáo dù không có huân chương, giải thưởng nhưng họ luôn là những người anh hùng thầm lặng. Họ hi sinh cả cuộc đời mình để vun đắp, xây dựng nên những mầm non tương lai cho đất nước, dân tộc.

          Xã hội ngày càng phát triển với sự vận động không ngừng nghỉ, chính vì thế mà những lễ nghi lễ giáo cũng được lược bớt, nới lỏng, thay đổi nhiều hơn. Mối quan hệ giữa thầy và trò cũng không còn xa cách như trước mà trở nên gần gũi hơn. Nhưng không phải vì sự gần gũi thân thiết ấy mà chúng ta có thể phá bỏ những giá trị đạo đức, ứng xử trong nhà trường vốn có. Trong xã hội ngày nay, khi biết bao khó khăn thử thách được đặt nặng lên vai nghề giáo thì người thầy, người cô càng đáng được tôn kính hơn bao giờ hết.

          Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, em xin gửi ngàn lời tri ân, lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã và đang hết mình với sự nghiệp trồng người- những người chèo  lái những chuyến đò thầm lặng đưa bao thế hệ cập bến tương lai. Kính chúc các thầy cô sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

 Bùi Mỹ Lệ - 11A0