SỰ KIỆN NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC GÓC HỌC TẬP- CÂU HỎI ĐỌC HIỂU MÔN VĂN-SỐ 1
- Được viết ngày Thứ ba, 14 Tháng 2 2017 08:21
Cùng ban thông tin trường THPT Bắc Hà
đón đọc đáp án câu đố vui xuân kỳ trước và tham gia viết bài cho chuyên mục góc học tập-môn văn kỳ này nhé.
ĐÁP ÁN CÂU ĐỐ VUI XUÂN.
TÌM GÀ TRONG THÀNH NGỮ DÂN GIAN
Câu 1:
Câu thành ngữ có ý nói hai người đối thoại với nhau mỗi người nói một đằng, không ăn nhập gì với nhau?
Đáp án: Ông nói gà bà nói vịt.
Câu 2:
Câu tục ngữ có ý nói cậy thân cậy thế bắt nạt người khác?
Đáp án: chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng.
Câu 3:
Câu thành ngữ khuyên nên cẩn trọng mỗi khi viết một điều gì để tránh những cái không hay xảy ra?
Đáp án: bút sa gà chết.
Câu 4:
Câu tục ngữ có 6 chữ trong đó có chữ “què”, có ý chê bai những người không có ý chí vươn lên?
Đáp án: gà què ăn quẩn cối xay.
Câu 5:
Câu thành ngữ bắt đầu bằng chữ “lép”, có ý chê người ngồi lê mách lẻo?
Đáp án: lép bép như gà mổ tép.
Câu 6:
Câu thành ngữ kết thúc với chữ “tóc” có ý chê người thiếu bình tĩnh, bối rối?
Đáp án: lúng túng như gà mắc tóc.
Câu 7:
Câu thành ngữ có 4 chữ chỉ những kẻ vô lại, sống lang thang, làm bậy?
Đáp án: mèo mả gà đồng.
Câu 8:
Câu thành ngữ có ý chê người không nhìn rõ sự thật, lẫn lộn phải trái?
Đáp án: nhìn gà hoá cuốc.
Câu 9:
Câu thành ngữ có ý chê kẻ hèn yếu, không làm được việc gì nên thân?
Đáp án: trói gà không chặt.
SAU ĐÂY LÀ CÂU HỎI ĐỌC HIỂU MÔN VĂN-SỐ 1 KỲ NÀY
Câu số 1:
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi.
“Thời gian gần đây, hàng loạt vụ bạo lực học đường (BLHĐ) ở mức độ nghiêm trọng liên tục xảy ra, gây rúng động xã hội. Điều đáng lo ngại bên cạnh sự hung hăng của một bộ phận các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, còn có sự thờ ơ, không để tâm của nhiều bậc cha mẹ.
BLHĐ với khía cạnh của phụ huynh, nên nhìn nhận ở cả hai mặt: con có nguy cơ là nạn nhân của BLHĐ, và con tham gia vào hành động bạo lực. Không ít phụ huynh chỉ lo ngại ở vấn đề thứ nhất, còn khi con tham gia đánh bạn, hành hạ bạn thì chỉ coi là “chuyện nhỏ”, bênh con chằm chặp, hoặc la mắng vài câu rồi thôi mà không biết, nguy cơ mất con của phụ huynh có con bị bạo hành và tham gia bạo hành là như nhau.
Nếu như những đứa trẻ bị bạo hành có nguy cơ trầm cảm, hoảng loạn, bỏ học, tự sát, những đứa trẻ tham gia bạo lực nếu không được chấn chỉnh thì chuyện hư hỏng, mất đi nhân cách, thậm chí phạm tội về sau là rất có thể.
Đáng lo ngại, có khá nhiều phụ huynh thực sự chưa có sự quan tâm, đối thoại và chia sẻ đúng mức với con để có thể nhìn nhận ra những vấn đề nguy hại, những thay đổi tâm lý, những sợ hãi bất an từ đứa trẻ bị bạo hành và những mầm mống bạo lực qua hành xử hàng ngày của đứa trẻ đi bạo hành bạn bè.
Để rồi, chỉ khi bị mời đến trường, đến công an, khi thấy con mình xuất hiện trên mạng, trên báo… thì mới vỡ lẽ. Đó là những thất bại lớn trong nuôi nấng, giáo dục con của các bậc cha mẹ”.
(Đừng để mất con vì bạo lực học đường - Đông Phương, theo http://www.phapluatplus.vn/)
- Xác định nội dung, phong cách ngôn ngữ đoạn văn bản?
- Theo tác giả, hậu quả của nạn bạo lực học đường là gì?
- Từ đoạn văn bản trên, anh (chị) thấy được vai trò, trách nhiệm của phụ huynh trong việc hạn chế tình trạng bạo lực học đường là gì?
- Anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày giải pháp để góp phần ngăn chặn bạo lực học đường đang diễn ra nghiêm trọng hiện nay?
Câu số 2: Theo em có bao nhiêu bạn học sinh tham gia viết bài kỳ này?
Ban thông tin sẽ có phần quà rất giá trị dành tặng cho bạn có bài viết xuất sắc và dự đoán đúng số người tham gia chuyên mục kỳ này. Hãy nhanh tay gửi ngay bài viết về cho ban thông tin trường THPT Bắc Hà để nhận những phần thưởng hấp dẫn nhé.
Bài viết xin gửi về địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Hoặc gửi trực tiếp cho cô Loan tại văn phòng nhà trường chậm nhất là thứ 7 ngày 18/02/2017.
Chúc các bạn may mắn!
Ban thông tin
Trường THPT Bắc Hà